Đánh giá tiềm năng thị trường bất động sản tại tỉnh Khánh Hòa

24-12-2023 10:01

Những năm qua, Khánh Hòa vẫn đang hướng đến các tiêu chuẩn mới về một nơi đáng sống trong khu vực và quốc tế; phát triển bền vững cả kinh tế, xã hội và môi trường. Giữ gìn và phát huy tối đa các giá trị văn hóa, di sản truyền thống, lịch sử của địa phương.

Khánh Hòa đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao. Và đến năm 2050 tỉnh sẽ trở thành một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, ngang tầm khu vực Châu Á; một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục. Các hoạt động kinh tế, xã hội và quản trị ở đây sẽ vận hành chủ yếu theo phương thức của nền kinh tế số, xã hội số. Các ngành sản xuất, dịch vụ phát triển theo phương thức thông minh và các mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Với nhiều năm sinh sống và làm việc ở Khánh Hòa, đặc biệt là làm trong lĩnh vực bất động sản; tôi có một số chia sẻ và nhận định về tiềm năng của Khánh Hòa như sau:

  1. Vị trí địa lý: Đa phần địa hình của Khánh Hòa là núi non, diện tích đồng bằng chiếm chưa đến 1/10 diện tích của toàn tỉnh; Khánh Hòa tiếp giáp với 4 tỉnh: Phú Yên (Phía bắc), Đắk Lắk (Phía tây), Lâm Đồng (Phía tây), Ninh Thuận (Phía nam).

  2. Ưu đãi thiên nhiên: Khí hậu ở Khánh Hòa mát mẻ quanh năm, nắng không nắng quá, lạnh cũng không lạnh nhiều và rất dễ chịu, nhiệt trung bình khoảng 28 - 30 độ, số ngày nắng ấm thuộc top cả nước. Sở hữu nhiều bờ biển cát trắng rất đẹp và hoang sơ, biển thì xanh như ngọc bích: Nha Trang, Hòn Ngang, Sơn Đừng, Đại Lãnh, Dốc Lết, Bãi Dài.

  3. Hạ tầng giao thông đồng bộ: Tỉnh Khánh Hòa có vị trí nằm trên các trục giao thông quốc gia quan trọng cả về đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và hàng không. Hệ thống cảng nước sâu thuộc top khu vực Châu Á với cảng Bắc Vân Phong và Nam Vân Phong, cảng quân sự Cam Ranh. Sân bay thì có cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; Sắp tới đây còn có cảng hàng không Vân Phong.

Có thể nói Khánh Hòa là trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên với đầy đủ mọi yếu tố thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, du lịch và logistics.

Tổng quan về thị trường bất động sản Khánh Hòa

Giai đoạn từ 2015 - 2019 du lịch tại đây đã phát triển bùng nổ cả về lượng khách quốc tế và nội địa; các dự án nghỉ dưỡng và cả đất nền nhưng lại chỉ tập trung chính ở phố biển Nha Trang. Với những điều kiện thuận lợi như trên thì việc khai thác du lịch ở thành phố Nha Trang và Bãi Dài (Cam Lâm) mới chỉ là một phần nhỏ so với tiềm năng thực sự. Bản thân tôi cũng đã có những trải nghệm chạy xe máy hết các huyện, thị xã, thị trấn của Khánh Hòa (chỉ mỗi Trường Sa là chưa có dịp đi) và cũng nhận rằng Khánh Hòa thật tuyệt vời vì có: đồi núi, sông, suối, ao, hồ, biển...đầy đủ cả.

>> Đăng tin bất động sản Khánh Hòa ngay!

Từ năm 2020 bộ máy chính trị Khánh Hòa đã ổn định hơn, Chính phủ cũng đặc biệt quan tâm, nên có thể thấy từ 2021 đến nay khu vực từ Bắc đến Nam của Khánh Hòa, từ Vân Phong đến Cam Lâm, Cam Ranh luôn dành được sự chú ý. Tỉnh cũng đặt ra những mục tiêu cụ thể về quy hoạch Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.


Bản đồ quy hoạch thị xã Ninh Hòa đến năm 2030

Nên đầu tư khu vực nào ở Khánh Hòa là tốt nhất?

Giữa tháng 6/2023 cao tốc Bắc Nam đoạn Cam Lâm – Nha Trang và Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã chính thức khánh thành đi vào hoạt động. Và hiện tại cao tốc Vân Phong – Nha Trang đang được triển khai nhanh chóng vượt tiến độ, với tiến độ này thì cao tốc Bắc Nam đoạn qua Khánh Hòa sẽ sớm được hoàn thành. Đến năm 2030, Khánh Hòa sẽ cơ bản hoàn thành các tuyến cao tốc Vân Phong - Nha Trang, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Nha Trang - Đà Lạt và cả đường sắt tốc độ cao Nha Trang - TP.HCM, mở ra một không gian rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Cao tốc Vân Phong - Nha Trang đoạn qua Quốc lộ 26

Ngoài ra dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột kết nối khu vực Tây Nguyên và Khu kinh tế Vân Phong cũng đang quyết tâm giải phóng mặt bằng trước ngày 31/12/2023 và triển khai thi công đúng tiến độ đề ra.

Thi công Dự án cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột đoạn qua địa bàn xã Ea Knuếc (Đắk Lắk)

Còn có dự án Tuyến đường ven biển từ xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh đi thị xã Ninh Hòa. Đây là dự án tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội 2 địa phương, góp phần từng bước cụ thể hóa NQ 09 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó là sự đầu tư và quan tâm của các ông lớn như: Vingroup, FPT, Sungroup, Hòa Phát, IPPG, Becamax IDC… để phát triển Khánh Hòa một cách mạnh mẽ, toàn diện và đúng với định hướng là trung tâm về kinh tế, du lịch, công nghiệp, vận tải của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên.

Với quan điểm cá nhân tôi nhận thấy quỹ đất bằng phằng ở Khánh Hòa không nhiều .

  1. Thành phố Nha Trang giá đã quá cao nên cũng bão hòa trong những năm qua; nhìn về phía Tây một số xã thuộc Nha Trang bao gồm cả khu vực Diên Khánh mật độ dân cư khá đông và nằm ven Nha Trang nên giá cũng không còn gọi là rẻ nữa, đâu đó thì vẫn có những khu rẻ từ 4 - 6 Triệu/m2. Diên Khánh cũng được chú trọng phát triển một số cụm và khu công nghiệp.
  2. Phía Nam có khu vực Cam Lâm, Cam Ranh thì về quân sự, cảng hàng không quốc tế; Bãi Dài cùng các dự án nghỉ dưỡng để phát triển du lịch thì giá đất nhiều chỗ cũng đã đẩy lên khá cao. Sau đợt sốt cuối 2021 và sang 2022 cũng đã thiết lập một vùng giá mới (Đất dân hoặc phân lô trung bình đều từ 10tr đến hơn 30tr/m2 cũng có). Theo định hướng phát triển của tỉnh thì Cam Lâm tới 2030 sẽ trở thành Quận.

  3. Thị xã Ninh Hòa là khu vực có diện tích đồng bằng lớn thứ 2 sau Diên Khánh nhưng có nhiều thuận lợi hơn. Xét về vị trí địa lý thì Ninh Hòa xem như nằm ở khu vực trung tâm của tỉnh (xét theo chiều dài bờ biển) có cảng nước sâu và gần trung tâm của Vịnh Vân Phong, có biển Dốc Lết hoang sơ và đầy tiềm năng, diện tích đất sạch bằng phẳng còn nhiều để quy hoạch phát triển các khu công nghiệp (Becamex IDC và liên danh nhà đầu tư xin nghiên cứu, khảo sát dự án 2.340ha), có nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ nâng cấp mở rộng kết nối trực tiếp lên khu vực Tây Nguyên và ra cảng biển. Cũng theo định hướng của tỉnh thì đến 2030 Ninh Hòa sẽ lên Quận; quan trọng nhất giá đất ở khu vực còn rẻ từ 1 - 3 Triệu/m2. Hiện nay trên địa bàn thị xã Ninh Hòa có 94 dự án (52 dự án đã đi vào hoạt động; 42 dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư và đang triển khai đầu tư xây dựng) với tổng vốn đăng ký khoảng 78.680,7 tỷ đồng (3,57 tỷ USD), vốn thực hiện khoảng 23.753,8 tỷ đồng (1,08 tỷ USD).

    1. Các dự án lớn như: Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong (125 triệu USD), Công ty TNHH đóng tàu Hyundai Việt Nam (250 triệu USD)… đã đi vào hoạt động.

    2. Các dự án quy mô lớn đang triển khai xây dựng gồm: Nhà máy Nhiệt điện BOT Vân Phong 1 (2,58 tỷ USD), Khu Công nghiệp Ninh Thủy (294 tỷ đồng), Cảng tổng hợp Nam Vân Phong (984 tỷ đồng).

  4. Bắc Vân Phong thuộc huyện Vạn Ninh từng được coi là đặc khu kinh tế, giờ là khu kinh tế đặc biệt với nhiều chính sách ưu đãi và dành được sự quan tâm của nhiều ông lớn. Có cảng nước sâu Bắc Vân Phong, có đầm nước mặn lớn, bãi biển Hòn Ngang và Sơn Đừng đẹp hoang sơ không thua kém bất kỳ bãi biển nào. Trải qua cơn sốt đất 2018 nên gần như Vạn Ninh hay Bắc Vân Phong đã thiết lập một mức giá khá cao so với điều kiện hiện tại địa phương. Mới đây có thông tin quy hoạch thì giá bất động sản Bắc Vân Phong lại nhảy múa trung bình trên dưới 20tr/m2 và tiềm ẩn rủi ro về quy hoạch rất lớn.

Về cơ bản Khánh Hòa trong giai đoạn 2 - 3 năm tới sẽ đẩy mạnh đầu tư công phát triển cơ sở hạ tầng hầu như toàn tỉnh. Nhưng để lựa chọn khu vực nào để đầu tư thì phải xem xét kỹ lưỡng và tùy khẩu vị, tài chính, cũng như mục tiêu mong muốn của mỗi nhà đầu tư. Người có vốn lớn 10 tỷ trở lên có thể mua đợi trong 5 - 10 năm hay có những anh chị vốn chỉ 1,2,3 tỷ muốn mua đầu tư 1 - 2 năm để có lợi nhuận 40-50%/năm thì sẽ phải lựa chọn khác.

Nên với thị trường nhiều nhà đầu cơ như vậy thì các anh chị nhà đầu tư đi sau nên cân nhắc tỉnh táo để tránh việc bị thổi giá, fomo, bẻ cọc... dẫn tới mất tiền, đu đỉnh, chôn vốn hay vô tình lướt sóng thành cư dân. Trên đây chỉ là những chia sẻ dưới góc nhìn cá nhân, không phải là lời khuyên đầu tư. Hi vọng sẽ giúp ích phần nào cho anh chị trong việc lựa chọn đầu tư bất động sản tại Khánh Hòa!

 

Dũng Lê

Đóng